Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2015

image
Giao thông tại Hà Nội
Vừa rồi tôi phải đi nộp phạt lỗi vi phạm hành chính khi tham gia giao thông, lần thứ hai trong 15 năm tôi sống ở Hà Nội.

image
Lần đầu cách đây đã hơn 10 năm, quãng thời gian chứng kiến rất nhiều đổi thay của thủ đô, từ việc mở rộng địa giới hành chính, đại lũ lụt năm 2008, rồi biết bao nhiêu công trình lớn nối đuôi nhau ra đời.

Thủ tục hành chính xử lý vi phạm, ngạc nhiên thay, vẫn còn nguyên như ngày hôm qua.

Tôi xếp biên bản vào giá chờ, rồi ngồi đợi đến lượt. Mọi thứ đều ổn, từ văn phòng làm việc cho đến cung cách tiếp dân của cán bộ. Chỉ duy một thứ không ổn. Đáng tiếc, đó lại là thứ quan trọng nhất: quy trình nộp phạt.

image
Với vi phạm giao thông, tôi phải nộp biên bản tại trụ sở cảnh sát, lấy phiếu phạt ở đây, đi xe đến chi nhánh kho bạc nhà nước cách đó vài cây số để nộp tiền, rồi sau đó quay về trả lại phiếu thu để lấy giấy tờ.

Đó là chưa tính đến quãng đường di chuyển từ nhà đến trụ sở cơ quan công quyền vào giờ cao điểm.

image
Để nộp được phạt như một công dân gương mẫu, tôi phải mất gần trọn một buổi.

Thật nhiều phiền toái

Và với những lỗi nặng hơn, chu trình đó sẽ được lặp lại hơn một lần. Trường hợp của những người thường trú ở một nơi, nhưng bị xử  phạm ở địa phương khác, thì còn phiền toái hơn nhiều vì họ yêu cầu nộp phạt ở nơi phạm luật.

image
Nhiều nước như ở Anh nhận mọi loại tiền phạt qua bưu điện
Mọi chuyện sẽ trở nên đơn giản nếu có nhân viên bộ kho bạc làm việc luôn ở nơi nộp phạt, hay lắp chiếc máy nộp tiền và in biên lai tự động.

Hoặc thậm chí tiện lợi hơn, như đề xuất mới đây của phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đã được thực hiện thành công ở rất nhiều nơi trên thế giới, là thu tiền nộp phạt qua hệ thống ngân hàng hoặc bưu điện.

Người vi phạm sau đó có thể đến trụ sở cảnh sát để lấy lại giấy tờ, hoặc cơ quan công quyền gửi về nhà qua đường bưu điện.

Thế nhưng chục năm trôi qua, vẫn là cái giá đựng biên bản, chú xe ôm đứng trước kho bạc làm dịch vụ lấy hộ phiếu thu, và hàng dài những người vi phạm xếp hàng chờ nộp phạt.

image
Với từng cá nhân, sự lãng phí thời gian có thể không quá lớn, nhưng khi tính trên quy mô cả xã hội, con số là không hề nhỏ.

Trong một năm, từ tháng 11/2014 đến tháng 10/2015, Công an Hà Nội xử phạt 422.000 trường hợp vi phạm giao thông.

image
Cảnh sát giao thông bắt người phạm luật như gấu vớt cá, bắt được ai thì xử người đó.

Nếu giả xử trung bình mỗi một người vi phạm mất ba tiếng đồng hồ để được nộp phạt, TP. Hà Nội sẽ mất 1,26 triệu tiếng đồng hồ, tương đương 145 năm làm việc.

Với thu nhập trung bình của người Hà Nội là 3600 USD, thành phố sẽ tổn thất khoảng 522.000USD, tức khoảng 12 tỷ đồng. Tạm ước tính trên cả nước, chi phí thời gian từ thủ tục nộp phạt có thể lên đến 5,5 triệu USD (123 tỷ đồng).

Cùng với việc phí phạm thời gian, nhiều người dân, như tôi, rất ngại thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến cơ quan công quyền.

Điều này giải thích vì sao nhiều người vi phạm chấp nhận lót tay cảnh sát giao thông để được đi sớm, thay vì làm đúng quy trình nói trên.

image
Tôi không nghĩ với hệ thống bưu điện và ngân hàng đã tương đối phát triển ở Việt Nam, việc thay đổi cách thức xử lý vi phạm hành chính là quá khó khăn.

Vấn đề lớn hơn, không chỉ riêng ở lĩnh vực này, có lẽ là tư duy nhà nước quản lý người dân, thay vì phục vụ người dân, vẫn còn nặng nề.

Nếu coi xử phạt chỉ đơn thuần như một dịch vụ công, tôi tin hệ thống sẽ trở nên minh bạch và tiện lợi hơn rất nhiều. Thêm vào đó, càng tách biệt chuyện tiền bạc ra khỏi nhiều người, nhiều tổ chức liên quan, thì tham nhũng càng khó xẩy ra.

Thu tiền phạt bằng cách trên còn giúp phát triển hệ thống “phạt nguội” bằng camera ở Việt Nam.

image
Đi qua một số nước, tôi thấy ở Việt Nam là nơi có nhiều cảnh sát giao thông trên đường phố nhất, nhưng mức độ vi phạm cũng thuộc loại nhiều nhất. Cảnh sát, dù có ba đầu sáu tay, cũng khó mà bắt hết người phạm luật.

Điều này dẫn đến một tình trạng vừa buồn cười vừa nhức nhối: cảnh sát giao thông bắt người phạm luật như gấu vớt cá, bắt được ai thì xử người đó.

image
Với quy chế như vậy, những người chấp hành luật nhất lại chịu thiệt thòi nhất, do họ không dám “liều” bỏ chạy khi bị tuýt còi. Về lâu về dài, thực trạng này sẽ làm xói mòn nhà nước pháp quyền mà Việt Nam đang muốn xây dựng.

Điều làm người ta thấy bất mãn thường không phải là mất bao nhiêu tiền, mà là sự bất công.

Đến lượt được gọi lên, anh cán bộ nói rằng giấy phép lái xe của tôi vẫn chưa được chuyển đến như trong lịch hẹn.

Hành trình nộp phạt của tôi, như vậy, sẽ phải kéo dài thêm ít nhất một tuần. Làm một công dân tốt ở Việt Nam không phải là điều dễ dàng.



Nguyễn Khắc Giang

news transportation vietnam hanoi

Làm sao để chiên khoai tây ngon?
Thanh niên gốc Việt cướp ngân hàng, bị bắn vào mặt...
Mẹ ơi! Con biết tìm Mẹ ở đâu bây giờ ?
Bạo hành học trò LGBT tại VN: Chưa hề nhận ra!
Rao bán cô dâu Việt trên mạng với giá 1.500 USD
Ước mơ xa xỉ về sự giản dị
Nữ đánh bom liều chết đầu tiên ở châu Âu?
Vì sao chó và chủ thường giống nhau?
Tìm khoái lạc trong cơn đau
Bảng đối chiếu từ ngữ Việt Nam & Việt Cộng
Chủ tịch “Khựa” cô đơn trên thảm đỏ APEC 2015
Cá hồi biến đổi gen được chứng nhận an toàn
Bạn được bình đẳng tới mức nào?
Lợi bất cập hại
Săn tìm sự sống bên ngoài Trái Đất
Tưởng niệm Anh Bằng: Người cuối ga khói
Hiệu trưởng đuổi học Nguyễn Phương Uyên bị cảnh cá...
Không ai có quyền đánh cướp quyền tự do
Đi bộ chân trần
Châu Âu tranh luận kịch liệt về vấn đề di dân sau ...

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Categories

Popular Posts

Blogger Templates