“Rất nhiều trường học tại Việt Nam không hề nhận ra có hiện tượng bạo hành liên quan đến giới tính trong trường học. Họ chỉ nghĩ là bạo hành hay bắt nạt trong trường chỉ là đánh bạn, đánh nhau, tát bạn, băng nhóm của các em trai.
Họ không nghĩ các em LGBT (người lesbia, gay, song tính, chuyển giới -PV) bị bạo hành hay bắt nạt vì giới tính của các em.”
Một cuộc diễu hành của những người ủng hộ cộng đồng LGBT tại Việt Nam
Giáo sư Thomas E. Guadamuz từ đại học Mahidol, Thái Lan cho biết như vậy khi ông và đồng nghiệp tiến hành các khảo sát về việc bạo hành và bắt nạt học sinh LGBT trong trường phổ thông tại Việt Nam và Thái Lan.
Hôm thứ Năm 19/11, tại Bangkok, UNESCO cũng vừa công bố một báo cáo cấp khu vực tên "Từ sự sỉ nhục đến hòa nhập" về tình trạng bạo lực và bắt nạt trong trường học nhắm vào các học sinh giới LGBT ở 20 nước tại Châu Á – Thái Bình Dương.
Báo cáo này viết: "Học sinh chuyển giới và có giới tính chưa xác định có vẻ là mục tiêu phổ biến nhất của tình trạng kỳ thị và bắt nạt tại trường học, tại các quốc gia như Ấn Độ, Nepal, New Zealand và Việt Nam"
Kết quả nghiên cứu này cũng cho thấy tại Việt Nam, học sinh là người LGBT bị bắt nạt dưới nhiều hình thức, như dùng ngôn từ bắt nạt, gọi tên và các kiểu chọc ghẹo, bắt nạt bằng việc đánh đập, đe dọa, băt nạt tinh thần như cô lập, lan truyền bàn tán về giới tính. Trong đó, nổi cộm nhất, có đến 70% bị bắt nạt bằng ngôn từ, 18% có bị xâm hại tình dục.
So với các nước cùng trên bảng khảo sát là Úc, Trung Cộng, Hong Kong, Nhật, Hàn, Thái Lan thì tỷ lệ bắt nạt bằng ngôn từ tại Việt Nam là cao nhất.
Nguyễn Minh Trí (20 tuổi), quê ở Bình Định, là người song tính, tả lại: “Ở quê em mọi người vẫn chưa biết gì về LGBT cả. Vốn từ của mọi người về người hoặc thể hiện bên ngoài là nữ tính thì họ chỉ gọi là pede, lại cái, bóng để nói về mình. Em hoang mang, rồi người khác trêu ghẹo, em rất lo lắng và tự ti về bản thân. Họ dùng những từ ngữ miệt thị như vậy cho mình. Nó trở thành trò mua vui.”
Buổi công bố báo cáo của UNESCO "Từ sự sỉ nhục đến hòa nhập"
Sự phổ biến của bắt nạt bằng ngôn từ có thể thấy ở nhiều vùng quê Việt Nam. Trần Thị Bích Trâm, một sinh viên múa nam chuyển giới kể lại: “Họ gọi phỉ báng em là đồng bóng, đồng tình luyến ái, luôn chửi vô mặt em là pede. Nhiều khi bạn cùng lớp cứ nhìn thẳng vô mặt mình chửi pede pede pede vậy, chẳng cần mình làm gì cả.”
Bích Trâm đã bỏ học năm lớp Chín tại quê nhà Phan Thiết vì mức độ bắt nạt, bị đánh, bị chọc ghẹo tăng cao. Trâm kể: “Lớp Năm, em bị nguyên một nhóm bạn nam chặn đường đánh. Đến lớp Bảy, Tám thì cả đám nữ đánh, thêm đám nam sinh đi theo. Chẳng hiểu tại sao họ ghét mình, đánh mình.”
“Môi trường em sống không cho phép em sống tiếp tục nữa.” – Trâm nói về quyết định lên Sài Gòn để theo đuổi chuyên ngành múa mình yêu thích và rời khỏi sự bắt nạt ở quê nhà.
Ông Thomas Guadamuz chia sẻ kết quả nghiên cứu tại nhiều trường ở Việt Nam: “Thậm chí, các em đôi khi không phải là LGBT nhưng người ngoài nghĩ các em là LGBT, là “pede” và lập tức trở thành đối tượng bị tấn công, bị cô lập, bị nói trên mạng xã hội về giới tính.”
Xã hội đi nhanh hơn chính sách
Báo cáo “Từ sự sỉ nhục đến hòa nhập” này của UNESCO cũng nhận xét: "Ở nhiều nước, gồm có Thái Lan và Việt Nam, thực tế trong trường học đã đi trước chính sách hay các thay đổi chuyên môn, nhờ vào sự hỗ trợ của các tổ chức LGBTI".
Trần Tý, sinh viên năm thứ tư tại Sài Gòn, là nữ chuyển giới nam đã công khai giới tính của mình khi rời quê nhà đi học đại học.
Tý mô tả lại: “Có một cô giáo dạy Triết hỏi trước cả lớp: "Tôi không biết là tôi có thể gọi bạn là anh hay là chị?" - Cô bảo đó là thói quen nên cô hỏi rõ. Lúc đó là lúc tôi công khai luôn. Tôi nói: Cô có thể gọi tên em, mà là tên nam của em là Trần Tý, và nếu là anh hay là chị thì là anh. Và lúc đó tôi xin cô lên để nói chuyện cho cả lớp rõ về mình luôn.”
Trần Tý là nữ chuyển giới nam, và được bạn bè chấp nhận khi công khai bản thân.
Tý cũng cho biết đã “bất ngờ” khi các bạn cùng lớp nồng nhiệt và thân thiết với mình hơn khi biết về giới tính thật của mình. Trước đó, khi ở quê nhà tại Gia Lai, tình bạn của cậu chỉ là “người ta không đụng vào mình, né mình ra để không chạm vào mình, không biết chơi với mình có lây không”.
Minh Trí cũng cho biết giáo viên thường gọi điện về cho cha mẹ, yêu cầu em “chỉnh đốn” để “trở thành nam tính, không được đùa giỡn, xưng hô nữ tính quá với các bạn nữ.”
Trí cũng cho biết một người bạn gái là nữ chuyển giới nam bị “ép mặc váy đi học” sau đó đã bỏ học vì “mệt mỏi”. Nhưng khi được khuyến khích đi học lại và chuyển đến một ngôi trường khác, Trí tâm sự: “Khi bạn vô trường em, chắc là truyền thông bên ngoài về người chuyển giới cũng nhiều rồi nên bạn không gặp khó khăn về chuyện đồng phục nhiều như trước đây nữa.”
Một nhóm người ủng hộ trong một lễ diễu hành LGBT ở Việt Nam
0 nhận xét:
Đăng nhận xét