Các nhà văn và nhà hoạt động xã hội sẽ cùng trò chuyện về Tết trong Bàn tròn thứ Năm tuần này.
Tết Nguyên đán hiện nay có ý nghĩa như thế nào với người Việt Nam? Đây là dịp quan trọng trong năm để gia đình sum họp, hay chỉ mang thêm gánh nặng cho nhiều người, đặc biệt là phụ nữ hay các gia đình nghèo?
Nhà văn Trang Hạ cho rằng, thực ra áp lực lo Tết chu toàn từ trước tới nay vẫn đặt nặng lên vai nhiều phụ nữ Việt Nam, nhưng có lẽ nhờ các phương tiện thông tin như mạng xã hội, điện thoại thông minh, mà người ta có dịp bày tỏ những áp lực đó nhiều hơn và được biết đến rộng rãi hơn.
Nhà văn và nhiếp ảnh gia Đoàn Bảo Châu thì cho rằng, dịp Tết là lúc nhiều người Việt tỏ ra 'khiếm nhã' với nhiều câu hỏi riêng tư.
Trong bài viết trên Tuanvietnam.net, tác giả liệt kê ra bốn vấn đề chính như cỗ bàn ngập mặt - 'nỗi kinh sợ của phụ nữ; mừng tuổi, biếu sếp; "tôi đến nhà anh, anh đến nhà tôi" và những câu hỏi thường gặp nhất như bao giờ lấy chồng/vợ, khi nào đẻ con.
Nhà văn Thuận cho rằng nên coi Tết là dịp thú vị
Tuy nhiên nhà văn Thuận từ Paris cho rằng, Tết là dịp gia đình gặp nhau, và có lẽ đó là dịp duy nhất trong năm để những người thân có cơ hội gặp gỡ, ở bên nhau, nhưng có lẽ người Việt Nam cần biết 'hưởng thụ' dịp này hơn nữa.
"Nên coi đó là niềm vui" thay vì gánh nặng, tác giả của nhiều tiểu thuyết bằng tiếng Việt và tiếng Pháp nói.
So sánh với Giáng sinh ở các nước phương Tây, nhà văn nhận xét, người phương Tây cũng bận rộn chuẩn bị bữa ăn chính, nhưng là "chuẩn bị với niềm vui" khi cả nhà cùng ăn uống, trò chuyện bên nhau.
Nhìn từ khía cạnh khác, anh Nguyễn Quang Thạch, người vận động mang sách cho nông thôn, cho biết, những người lao động nghèo, đặc biệt, lao động ở nông thôn lên thành phố mỗi dịp Tết về còn chịu áp lực đóng góp tài chính cho gia đình.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét