Trong bài “Tại sao cần học lịch sử?”, tôi nêu lên sự kiện: Đó là môn học, theo ghi nhận của báo chí trong nước, thầy cô không muốn dạy còn học trò thì không muốn học. Tại sao nên ra nông nổi như vậy? Tại sao ở những nước khác, lịch sử thu hút sự chú ý của khá đông học sinh và sinh viên, nhưng ở Việt Nam thì, từ trung học đến đại học, ai cũng hờ hững và tránh né? Câu trả lời, theo tôi, nằm ở hai yếu tố chính: chương trình và cách thức giảng dạy. Không có đủ tài liệu về chương trình và cách thức giảng dạy, trong bài này, tôi thử nhìn môn lịch sử tại Việt Nam qua góc độ các bài thi tốt nghiệp cũng như thi tuyển vào đại học.
Đây là đề thi Tốt nghiệp Trung học Phổ thông của môn sử năm 2012:
I. PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (7,0 điểm)
Câu 1. (3,0 điểm): Trình bày nguyên nhân thắng lợi và ý nghĩa lịch sử của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam.
Câu 2. (4,0 điểm): Nêu nội dung cơ bản của Hiệp định Pari năm 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Hiệp định trên đã tạo điều kiện thuận lợi gì để nhân dân ta tiếp tục đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam?
Câu 1. (3,0 điểm): Trình bày nguyên nhân thắng lợi và ý nghĩa lịch sử của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam.
Câu 2. (4,0 điểm): Nêu nội dung cơ bản của Hiệp định Pari năm 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Hiệp định trên đã tạo điều kiện thuận lợi gì để nhân dân ta tiếp tục đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam?
II. PHẦN RIÊNG – PHẦN TỰ CHỌN (3,0 điểm)
Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu (câu 3.a hoặc 3.b)
Câu 3.a. Theo chương trình Chuẩn (3,0 điểm): Nêu tình hình kinh tế, khoa học - kỹ thuật của nước Mĩ trong giai đoạn 1945-1973. Việc áp dụng những thành tựu khoa học - kỹ thuật hiện đại có tác dụng gì đối với sự phát triển của nền kinh tế Mĩ?
Câu 3.b. Theo chương trình Nâng cao (3,0 điểm): Trình bày nội dung các chiến lược phát triển kinh tế của nhóm năm nước sáng lập ASEAN sau khi giành được độc lập đến năm 2000. Vì sao từ những năm 60-70 của thế kỷ XX, các nước này có sự chuyển hướng trong chiến lược phát triển kinh tế?
Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu (câu 3.a hoặc 3.b)
Câu 3.a. Theo chương trình Chuẩn (3,0 điểm): Nêu tình hình kinh tế, khoa học - kỹ thuật của nước Mĩ trong giai đoạn 1945-1973. Việc áp dụng những thành tựu khoa học - kỹ thuật hiện đại có tác dụng gì đối với sự phát triển của nền kinh tế Mĩ?
Câu 3.b. Theo chương trình Nâng cao (3,0 điểm): Trình bày nội dung các chiến lược phát triển kinh tế của nhóm năm nước sáng lập ASEAN sau khi giành được độc lập đến năm 2000. Vì sao từ những năm 60-70 của thế kỷ XX, các nước này có sự chuyển hướng trong chiến lược phát triển kinh tế?
Còn đây là đề thi tuyển sinh đại học môn Lịch sử năm 2012:
I. PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm): Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp đã tác động như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam?
Câu 2 (2,0 điểm): Từ năm 1919 đến năm 2000, lịch sử Việt Nam đã trải qua những thời kỳ nào? Khái quát nội dung chính của thời kỳ lịch sử diễn ra sự kiện quân và dân ta đập tan tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp.
Câu 3 (3,0 điểm): Cuối tháng 3-1973, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã có quyết định gì để hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam? Quyết định đó được đề ra dựa trên những cơ sở nào? Tóm tắt diễn biến của chiến dịch Hồ Chí Minh (tháng 4-1975).
II. PHẦN RIÊNG (3,0 điểm)
Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu của phần riêng (câu 4a hoặc câu 4b)
Câu 4a. Theo chương trình Chuẩn (3,0 điểm): Khái quát chính sách đối ngoại của Nhật Bản trong thời kỳ Chiến tranh lạnh.
Câu 4b. Theo chương trình Nâng cao (3,0 điểm): Từ năm 1950 đến năm 2000, vị thế ngày càng nâng cao trên trường quốc tế của Ấn Độ được thể hiện như thế nào trên lãnh vực kinh tế, khoa học - kỹ thuật và chính sách đối ngoại?
Thật ra, ngoài hai đề thi ở trên, tôi cũng đọc khá nhiều đề thi khác; tuy nhiên, vì tất cả đều có cấu trúc khá giống nhau nên để tránh dài dòng, tôi không trích thêm.
Qua hai đề thi ấy, chúng ta có thể rút ra một số nhận xét:
Thứ nhất, môn sử lớp 12 bao gồm hai phần chính: Việt Nam và thế giới trong thế kỷ 20. Trong lịch sử Việt Nam, hai ưu tiên chính là cuộc chiến tranh chống Pháp và cái gọi là chiến tranh chống Mỹ, ở đó, điều người ta muốn làm nổi bật lên là vai trò lãnh đạo của đảng Cộng sản. Ở phương diện này, môn lịch sử không khác mấy với môn chính trị với đặc điểm quan trọng nhất là tuyên truyền cho các thành tích của đảng Cộng sản.
Thứ hai, cấu trúc các câu hỏi rất đơn giản và đơn điệu: “Nêu lên”, “trình bày”, “tóm tắt”, “là gì?’ và “như thế nào?”. Cả năm loại câu hỏi này chỉ cần một điều kiện duy nhất là nhớ thuộc lòng. Để thấy rõ khuyết điểm này, thử làm một sự so sánh: Trong các đề thi môn sử tại Úc, hệ thống từ vựng dùng để đặt câu hỏi rất đa dạng, từ nhận diện (identify) đến giải thích (explain), đánh giá (evaluate), thảo luận (discuss), phân tích (analyse) và tranh luận (“to what extent do you agree with this statement). Nói cách khác, trong khi ở Úc cũng như hầu hết các nước Tây phương khác, qua các kỳ thi của môn sử, điều người ta chú ý nhất ở học sinh là khả năng nhận diện vấn đề, phân tích, đánh giá và tổng hợp các tài liệu, tranh biện với một số nhận định nào đó, thì ở Việt Nam, điều duy nhất người ta đòi hỏi ở học sinh là nhớ những gì được viết trong sách giáo khoa cũng như những lời giảng của các thầy cô trong lớp.
Thứ ba, với cách đặt câu hỏi trong các kỳ thi như thế, về phương pháp giảng dạy và học tập, giáo viên không cần làm điều gì khác ngoài việc đọc cho học sinh chép câu trả lời của từng vấn đề có thể xuất hiện trong các đề thi. Và học trò cũng không cần đọc thêm bất cứ điều gì ngoài chương trình giảng dạy trong lớp. Điều này giải thích tại sao cả thầy lẫn trò đều chán môn lịch sử: Nó hoàn toàn không có chút sáng tạo nào cả. Điều này cũng làm cho những lời kêu gọi thay đổi phương pháp giảng dạy và học tập ở Việt Nam đều trở thành vô ích bởi tất cả những sự thay đổi đó, cho dù hay đến mấy, cũng mất hết tác dụng trước cách ra đề thi chỉ tập trung vào việc học thuộc lòng như thế.
Thứ tư, với cách đặt câu hỏi như vậy, người ta cũng có thể nhận diện triết lý giáo dục môn sử tại Việt Nam: nhồi sọ. Chỉ là nhồi sọ. Ở Tây phương, triết lý giáo dục của môn sử cũng như hầu hết các môn học khác là nhằm phát triển đầu óc phê phán (critical mind) của học sinh, giúp học sinh biết tìm kiếm tài liệu, đánh giá mức độ khả tín của tài liệu, phân tích và tổng hợp các tài liệu ấy nhằm chứng minh cho một luận điểm mà mình tin tưởng và muốn thuyết phục người khác. Bởi lịch sử nào cũng gắn liền với hiện tại, người ta còn muốn học sinh, khi tìm hiểu quá khứ, còn nhận thức rõ hơn về tình hình chính trị và xã hội trong hiện tại, do đó, kỹ năng ứng dụng kiến thức vào đời sống rất được coi trọng. Ở Việt Nam thì khác. Khi chỉ yêu cầu học sinh khả năng nhớ thuộc lòng, người ta chỉ muốn biến học sinh thành những con vẹt, chỉ biết tiếp nhận tất cả những gì được thầy cô giáo truyền thụ. Cách dạy như thế, dưới mắt nhìn của phương Tây, bị xem là lạc hậu, thậm chí, phản giáo dục.
Với một môn học phản giáo dục như vậy, giữ nguyên hay “tích hợp” với các môn khác, thật ra, cũng chả có gì quan trọng.
Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc
0 nhận xét:
Đăng nhận xét