Hà Nội, thủ đô bí ẩn nghìn năm của Việt Nam, thành phố huyền thoại và đầy khiêu khích.
Ở trung tâm thủ đô, cả về địa lý và tâm hồn là hồ Hoàn Kiếm, chia trái tim thành phố thành những làn đường và ngõ ngách lộn xộn dẫn tới khu phố cổ ở phía Bắc, và những con phố lớn xanh cây nối tới khu phố Pháp ở phía Nam.
Kiến trúc bố trí theo ô vuông bàn cờ với mỗi góc phố mang dấu ấn lịch sử hiển hiện, trong đó có trung tâm thương mại kiểu truyền thống từ thế kỷ 19, nhà thờ kiến trúc Neo-Gothic, khối nhà thuộc địa thời Art Deco và những tòa kiến trúc đầy hăm dọa thời Xô Viết.
Khi các thủ đô của các nước Đông Nam Á khác ngày càng trở nên thương mại hóa hơn, và đôi chỗ còn theo hướng đáng lo ngại, Hà Nội vẫn cương quyết giữ được vẻ sống động của mình.
Có lẽ không mấy ngạc nhiên khi thành phố nổi bật với những dấu ấn thị giác lịch sử và huyền thoại lại ẩn chứa trong mình không gian nghệ thuật biểu hiện sôi động.
Cách bờ hồ không xa là Tadioto của Nguyễn Quí Đức, một trong những không gian nghệ thuật nổi tiếng nhất của Hà Nội.
Đặt ở cùng khu vực với khách sạn Metropole lịch sử và Nhà Hát lớn diêm dúa, nội thất tối màu và kín đáo của Tadioto đối lập mạnh mẽ với những cấu trúc lớn và gần như bất thường bên ngoài.
Bên trong Tadioto của Nguyễn Quí Đức
Mặc dù tự coi mình là “không gian nghệ thuật không chính thống”, Tadioto cũng là minh chứng của văn hóa cà phê sôi động ở thành phố, một trong những di sản đáng giữ của thời thuộc địa Pháp thế kỷ 20 và là một trong những cá tính định hình thành phố này. Các quán cà phê là sự sống còn của xã hội Hà Nội, và chúng chính là cơ sở quan trọng cho nhiều hoạt động văn hóa và nghệ thuật phong phú.
“Ở thành phố mà rất khó để có được phòng tranh vì lý do chính trị và kinh tế, quán cà phê cũng có chức năng tương tự - chỗ để thưởng lãm nghệ thuật, nơi các nghệ sĩ gặp gỡ,” Đức nói.
“[Tadioto] là nơi thuận tiện, lãng mạn thu hút giới làm nghề sáng tạo cũng như những người bình thường muốn thoát khỏi áp lực cuộc sống hàng ngày. Nghệ thuật cũng làm điều đó.”
Những nơi còn giữ được bầu không khí và kiến trúc ở thành phố phát triển nhanh như Hà Nội khiến giá thuê nhà ở khu vực được chuộng cao ngất ngưởng. Các phòng tranh khó có thể trụ nổi với chi phí đắt đỏ, nên kết hợp mở quán cà phê cũng giúp thêm thu nhập để duy trì không gian.
Tranh của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường ở Tadioto (góc trái), và bên phải là tác phẩm của tác giả Reed Krosbys
Ngoài ra cũng cần tính đến chuyện chính trị. Việt Nam là quốc gia độc đảng, và sự giới hạn tự do biểu hiện có thể gây khó khăn lên những địa điểm đã có tên tuổi, khuyến khích cho phê phán xã hội hay chính trị thông qua nghệ thuật. Nhưng mở một quán cà phê thì đơn giản hơn nhiều, và chỉ cần chủ quán cẩn trọng, họ vẫn có thể sử dụng không gian và địa điểm của mình cho các hoạt động khác nhau.
“Rất nhiều người vẫn phải hoạt động ngầm, nhưng nếu bạn muốn có giấy phép đàng hoàng, hay tránh các vấn đề với chính quyền sau này, thì rất khó khăn,” Đức nói.
Nếu Tadioto là con ngựa ô kỳ bí của làng nghệ Hà Nội, Manzi là chàng hiệp sĩ cưỡi ngựa trắng hào hoa.
Tòa nhà thời thuộc địa nằm trên con phố yên tĩnh ở mũi Bắc của khu phố cổ, là địa điểm lý tưởng cho các cuộc triển lãm biểu hiện hiện đại. Tới Manzi, bạn bước vào không gian cà phê nghệ thuật sống động và liên tục chuyển biến.
Không gian của Manzi
Manzi cũng có các chương trình dày đặc từ biểu diễn âm nhạc thử nghiệm tới những buổi chiếu các bộ phim đầy khiêu khích, hay những buổi nói chuyện chạm tới các chủ đề gây tranh cãi.
Trâm, một người chủ của Manzi, cũng thừa nhận nguồn thu ổn định từ các khách hàng thường xuyên và cơ chế hành chính phần nào dễ dãi hơn trong việc mở cà phê so với mở không gian hoàn toàn cho nghệ thuật. Nhưng Manzi cũng rất cố gắng khiến nghệ thuật đương đại dễ được tiếp cận hơn.
“Giáo dục nghệ thuật ở Việt Nam không tốt lắm nên rất nhiều người Việt Nam không biết phải cư xử sao với nghệ thuật,” Trâm giải thích. “Nếu đây chỉ là một phòng tranh thì có ít người tới thăm hơn nhiều, nhưng cà phê thì bất kỳ thành viên xã hội nào của Hà Nội cũng có thể tới đây.”
“Nếu người ta tới quán cà phê và thích những gì người ta nhìn thấy thì thật tuyệt. Nếu họ ghét chúng, cũng tốt. Cái chính là thu hút được mọi người tham gia và có phản ứng.”
Trưng bày 'cho vui' do những người chủ của Manzi sắp đặt
Chếch về phía Tây của trung tâm thành phố, một khu dân cư với những khu tập thể xây sau thời thuộc địa là Café Nhà Sàn.
Quán đặt bên trong không không gian nhà của người Mường, cà phê Nhà Sàn được cẩn thận di chuyển từng vật dụng một từ ngoại ô Hà Nội những năm 90. Nhà Sàn trước đó là trung tâm nghệ thuật nhưng cho tới 2010 nơi này bị đóng cửa do các hoạt động ngày càng táo bạo.
Sau khi bị tước quyền làm nghệ thuật, Nhà sàn không được sử dụng cho tới khi mở lại vào đầu năm 2014, nhưng lần này chỉ còn là quán cà phê.
Như thể kiến trúc tòa nhà chưa đủ ấn tượng, Nhà Sàn còn trang trí thêm bằng các vật dụng cổ và nghệ thuật lấy cảm hứng từ thời chủ nghĩa cộng sản.
Café Nhà Sàn
Khác với Tadioto và Manzi, Nhà Sàn không có chức năng tổ chức sự kiện, nhưng nơi đây đã chính là một tác phẩm nghệ thuật.
“Tôi coi mọi thứ mình làm là một tác phẩm nghệ thuật,” Nam, chủ mới của Café Nhà Sàn nói.
“Không gian này là độc nhất và đây là lợi điểm lớn nhưng cả người chủ cũ và tôi cùng yêu thích phong cách [thời bao cấp] này.”
Thời bao cấp ngắn ngủi từ năm 1976 – 1986 đang trở lại trong văn hóa Hà Nội, ít nhất là trong nghệ thuật và thiết kế. Nhưng người Việt thường nhìn lại giai đoạn này với cảm xúc lẫn lộn, vừa hoài niệm về một cách sống giản đơn, và cũng là thời kỳ khó khăn nghèo đói cùng cực.
“Chúng tôi không chuộng giai đoạn này, nhưng cũng không thể phủ nhận nó có ảnh hưởng lớn đến chúng tôi, Nam nói.”
Joshua Zukas
0 nhận xét:
Đăng nhận xét