Ông Phạm Nhật Vượng hiện dẫn đầu danh sách 10 người giàu nhất Việt Nam năm 2015 trên thị trường chứng khoán, theo báo cáo sở hữu quản trị doanh nghiệp gửi đến Sở Giao dịch Chứng khoán, truyền thông địa phương đưa tin.
Theo danh sách này, vị chủ tịch Vingroup có khối giá trị tài sản lên tới 22.575 tỉ đồng.
Vingroup cũng có hai nhân vật khác trong danh sách là bà Phạm Thu Hương, vợ ông Nhật Vượng, và bà Phạm Thúy Hằng, em gái bà Hương.
Theo phân tích của ông Dương Xuân Nam, tác giả cuốn 'Ai là người giầu nhất Việt Nam?', bí quyết chính khiến chủ tịch Vingroup dẫn đầu danh sách trong vài năm trở lại đây là do “biết cách phát triển một cách bền vững và “giữ chữ tín tuyệt đối trong mọi lĩnh vực”.
Dương Xuân Nam
“Bí quyết quan trọng nhất mà tôi biết từ Phạm Nhật Vượng khi còn khởi nghiệp cho tới sau này, thì một là người làm ăn có ý tưởng lớn, không làm ăn cò con, vụn vặt, chụp giật.
“Thứ hai nữa là biết cách phát triển tập đoàn của mình một cách bền vững. Phạm Nhật Vượng giữ chữ tín, không bao giờ nói suông, đã nói là làm, mà làm bằng được, làm cho tốt,” ông Dương Xuân Nam.
Đứng thứ hai trong danh sách là ông Trần Đình Long của Tập đoàn thép Hòa Phát (HPG), vượt qua “bầu Đức” của Hoàng Anh Gia Lai, nay đứng thứ tư.
Khởi nghiệp từ đất đai
Khu đô thị phức hợp Thành phố Hoàng gia (Vincom Royal City) ở Hà Nội của Vingroup
Cựu Tổng biên tập báo Tiền Phong cho rằng, điểm chung của những người giàu ở Việt Nam, trước hết là biết nắm lấy cơ hội.
“Tất nhiên trên thế giới nắm lấy cơ hội là quan trọng, nhưng ở Việt Nam nắm lấy cơ hội là rất quan trọng, tức là cơ hội nào, mang lại cái gì”.
Theo tìm hiểu của ông cho cuốn sách về người giàu Việt Nam, xuất bản năm 2005, tác giả nhận thấy “giàu ở Việt Nam, hầu hết bắt đầu từ đất đai”.
“Phạm Nhật Vượng xây dựng nhà máy sản xuất mì ăn liền ở Ukraina, sau đó có tiền thì mua đất ở ngoại ô thành phố Kharkov, lúc mua giá rất rẻ rồi sau đó bán đi.
“Về Việt Nam thì Phạm Nhật Vượng đầu tư vào các cơ sở như Vincom, Vinpearl, Vinhomes, Garden City.
“Những người giàu nhất như Phạm Nhật Vượng và gia đình Phạm Nhật Vượng là những người biết làm ăn, quyết tâm và là những người làm ăn có khoa học, xây những công trình có tính chất văn hóa,” nhà báo Dương Xuân Nam, hay còn được biết đến với bút danh Dương Kỳ Anh nhận xét.
Của chìm
'Không đánh giá được hết tài sản' của tỉ phú Đào Hồng Tuyển, chủ sở hữu đảo Tuần Châu, nhà báo Dương Xuân Nam nhận xét.
Trả lời câu hỏi liệu có cách đánh giá, xếp hạng người giàu nhất Việt Nam chính xác hơn so với việc dựa trên giá trị sở hữu trên thị trường chứng khoán, nhà báo Dương Xuân Nam cho rằng khó có thể đánh giá hết được, như đối với những người không lên sàn chứng khoán, hay các quan chức.
“Ở Việt Nam những người giàu, có người không lên sàn chứng khoán, ví dụ như ông Đào Hồng Tuyển ở Tuần Châu, nên không thể đánh giá hết tài sản của ông ấy được mà chỉ có thể đánh giá một cách tương đối khi nhìn vào khu Tuần Châu rồi những cái này cái khác.
“Hoặc là tài sản của ông Vũ Văn Tiền chẳng hạn, ông ấy có ngân hàng An Bình đó, còn lại thì ông ấy không lên sàn chứng khoán nên không thể đánh giá hết tài sản của ông ấy.”
Danh sách 10 người giàu nhất Việt Nam này chỉ đánh giá được ở khối doanh nghiệp tư nhân, “còn các quan chức thì hoàn toàn không thể đánh giá được”, ông nói.
Ông Dương Xuân Nam cũng cho rằng, nhiều người vẫn mang theo nỗi sợ công khai tài sản, đặc biệt là quan chức.
“Tập đoàn tư nhân thì có người họ cũng ngại, có lý do nào đó. Tâm lý ngày xưa coi người giàu là kẻ thù - tâm lý đó rất mạnh, rất sâu vào xã hội Việt Nam.”
“...Có những người giàu làm ăn không chân chính. Tất nhiên ở đâu cũng có những người giàu không làm ăn chân chính. Thế giới có thể có ít hơn hoặc rất ít, nhưng Việt Nam số lượng chắc chắn không ít đâu.”
Ông cũng cho rằng, môi trường làm ăn ở Việt Nam nay đã “tương đối ổn định” nhưng còn rất khó khăn, trong đó khó nhất là “công khai, minh bạch”.
“Thứ hai nữa là những nhóm lợi ích chi phối, mà báo chí nói nhiều rồi, làm ảnh hưởng đến những người làm ăn minh bạch, đàng hoàng.
“Thứ ba nữa là biểu hiện về quyền. Bộ máy hành chính có biểu hiện cửa quyền, cái đó cũng ảnh hưởng.”
Ông Dương Xuân Nam nói, muốn có được công khai minh bạch ở Việt Nam "cần quá trình đấu tranh quyết liệt, phải có những cải tiến, thay đổi mạnh về thể chế và cơ chế. Một, hai người thì khó mà thay được.”
0 nhận xét:
Đăng nhận xét