Một phần của Bức tường Berlin được trưng bày tại Seoul như một lời gợi nhớ về mối quan hệ trắc trở với Bắc Hàn. Tuy nhiên, ý nghĩ về việc thống nhất hai miền chưa bao giờ quá xa vời, và đã có cả một bộ trong chính phủ Nam Hàn tập trung lo chuyện này, dẫu cho nhân viên của Bộ không đến nỗi quá bận rộn, theo Stephen Evans.
Nay, một phần của Bức tường Berlin được đặt ngay giữa thủ đô Nam Hàn. Một phần bê tông gồm ba phiến đá được dựng bên ngoài một trong số các bảo tàng, như một phần triển lãm để so sánh Triều Tiên bị chia cắt với nước Đức bị chia cắt.
Học sinh đứng nhìn chăm chú.
Chúng chạm vào khối bê tông gồ ghề và chụp hình selfie phía trước. Chúng bị mê hoặc bởi khối bê tông.
"Nếu như việc thống nhất có thể xảy ra tại Đức, thì tại sao Triều Tiên lại không?" là câu hỏi ám ảnh trong đầu chúng, và cả đất nước này.
Theo hiến pháp Nam Hàn, năm tỉnh của Bắc Hàn vẫn là một phần của Triều Tiên thống nhất (là quốc gia mà thời điểm cuối cùng còn tồn tại là 70 năm về trước), và Nam Hàn vẫn vờ như đang điều khiển.
Tôi nói là 'vờ như' bởi tại Seoul có một tòa nhà đầy các công chức về mặt lý thuyết là được giao quản lý Bắc Hàn. Có các ban ngành cho mỗi tỉnh trong số năm tỉnh của Bắc Hàn này.
Trừ mỗi chuyện là họ không thể quản lý từ Seoul, bởi các tỉnh này nằm ở Bắc Hàn. Có một vấn đề nhỏ về chuyện gọi tên khu vực phi quân sự - thực ra đó là Bức tường Berlin, phiên bản Triều Tiên.
Một ngày nọ, tôi tới thăm Bộ này. Phải nói là các nhà quản lý phần lãnh thổ ở miền Bắc này trông không lấy gì làm bận rộn. Một số màn hình máy tính cho thấy người dùng đang trong lúc mua sắm online.
Ai mà trách họ được? Sự sụp đổ đến nơi của chế độ Bắc Hàn được dự đoán từ 1990. Thế nhưng đến nay, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy điều đó sẽ sớm diễn ra.
Ba phiến đá của Bức tường Berlin được triển lãm tại Seoul như lời nhắc nhở về cơ hội thống nhất đất nước trên bán đảo Triều Tiên.
Chính quyền giả định đóng trong tòa nhà ảm đạm, có 44 nhân viên chuẩn bị sẵn sàng cho một điều ít có khả năng xảy ra một sớm một chiều, mà có lẽ sẽ không xảy ra. Những hành làng dài vắng vẻ, lặng lẽ.
Tôi gặp một trong những người được giả định là một nhà lãnh đạo lo quản lý Bắc Hàn, người nói với tôi rằng một trong những vai trò chính của họ là duy trì nền văn hóa Bắc Hàn cho tới ngày vĩ đại, ngày thống nhất đất nước.
Điều đó có nghĩa là công việc tổ chức các buổi múa dân gian ở miền Nam.
Trên đường đi làm, những nhà quản trị trên lý thuyết này của miền Bắc đi ngang qua một hòm thư màu xanh nhạt đặt ngay ở lối vào chính. Trên đó có dòng chữ: "Hòm thư Nhớ nhà".
Đây là hòm thư dành cho những người miền Bắc sống tại miền Nam - trừ một điều là những lá thư không bao giờ được chuyển tới đúng địa chỉ, bởi giữa hai miền Triều Tiên không có dịch vụ bưu chính.
Hòm thư mang tính biểu tượng, một quan chức nói với tôi.
Nhìn lại thời thập niên 1950-60, thì đó là khi bộ này được coi như một chính phủ lưu vong thực sự, sẵn sàng tiếp quản công việc một khi thống nhất hai miền.
Nay thì không.
Bộ máy này không nghĩ tới chuyện họ sẽ sớm ngồi vào những vị trí tại Bình Nhưỡng thay thế cho Kim Jong-un.
Tại Nam Hàn những ngày này, người ta không nói nhiều về sự sụp đổ đến nơi của miền Bắc, mà là hậu quả của chuyện đó, nếu như việc sụp đổ diễn ra.
Cuộc triển lãm ở Seould với một phần của Bức tường Berlin cho thấy rõ về sự khác biệt giữa Triều Tiên và nước Đức.
Có những bảng biểu thể hiện các thông tin, thậm chí cả trong những năm cuối cùng trước khi thống nhất Đức, sáu triệu người đã được đoàn tụ với người thân ở bên kia bức tường.
Hòm thư Nhớ nhà là nơi để người miền Bắc sống ở miền Nam tới bỏ thư - những lá thư không bao giờ đến đúng địa chỉ.
Tại Triều Tiên, trong vòng 14 năm qua, con số này là chưa tới 2.000 trường hợp. Người dân Bắc Hàn trên thực tế là không có liên hệ gì với thế giới bên ngoài.
Toàn bộ Đông Đức, trừ vùng miền đông xa xôi quanh Dresden, đều xem được truyền hình Tây Đức vào mỗi tối, và qua đó nhìn thấy thế giới bên ngoài. Người Bắc Hàn không có được điều đó.
Lương bổng của Nam Hàn cao gấp từ 10 đến 20 lần so với người Bắc Hàn, là mức cách biệt lớn hơn nhiều so với khoảng cách giữa Đông và Tây Đức.
Điều đó có nghĩa là nếu như thống nhất đất nước, những xáo trộn kinh tế sẽ lớn hơn nhiều.
Những người Bắc Hàn đào tẩu sang Nam Hàn đã nhận thấy các kỹ thuật họ có thì không đủ để sử dụng ở Nam Hàn.
Các bác sĩ từ miền Bắc chạy sang miền Nam thường không qua được các kỳ kiểm duyệt kiến thức y khoa của Nam Hàn.
Tất cả những điều này cho thấy sẽ phải có những nỗ lực rất lớn và những khoản tiền khổng lồ đổ vào một khi diễn ra việc thống nhất hai miền mới có thể giảm bớt những ảnh hưởng xáo trộn, đạt được như nước Đức.
Nhưng giới công chức ở Nam Hàn chưa tính tới chuyện đó.
Kim Jong-un chẳng sợ gì chuyện họ sẽ tới lấy mất vị trí của mình ở Bình Nhưỡng. Vào lúc này, họ còn quá nhiều thứ phải làm, chẳng hạn như đi mua sắm online, hay tổ chức các cuộc biểu diễn múa dân gian.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét